Nguyên nhân gây sâu răng

Sâu răng thực chất là sự phá huỷ cấu trúc vôi hoá vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng từ bề mặt răng, do vi khuẩn gây ra.

Nguyên nhân là do vi khuẩn gây sâu răngcó sẵn trong miệng, chủ yếu là Streptococcus Mutans, khi có thức ăn dính lên mặt răng đặc biệt là đường và tinh bột, sau thời gian vài giờ các vi khuẩn sẽ phân hủy thức ăn tạo nên acid ăn mòn men răng tạo thành lỗ sâu

Vi khuẩn, acid, mùn thức ăn trên mặt răng sẽ tạo thành một màng dính vào răng gọi là màng bám răng, màng này rất dính và có ở tất cả các mặt răng đặc biệt là răng hàm, màng bám răng không những gây sâu răng mà còn gây viêm nướu và viêm quanh răng. Màng bám răng dần dần được khoáng hóa bởi các chất khoáng trong nước bọt và thức ăn tạo thành cao răng

Thời gian vi khuẩn và đường xuất hiện trong miệng: nói chung vi khuẩn và mảng bám có mặt trong miệng sau 15 phút đến khoảng 1 giờ sau khi ăn.

Khả năng chống sâu của răng tùy thuộc vào trạng thái kết cấu của răng. Hàm răng không bị sứt mẻ, không khiếm khuyết, mọc thẳng hàng, thẳng lối, men răng trắng bóng, mức khoáng hóa răng cao là những yếu tố quan trọng chống lại các tác nhân gây sâu răng. Ngược lại, các yếu tố này không hoàn chỉnh thì nguy cơ sâu răng là rất lớn.
Quá trình từ răng mới sâu đến khi hình thành lỗ sâu phải trải qua một thời gian, nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự vệ sinh, khả năng chống sâu của từng người và cũng phụ thuộc mức độ vi khuẩn nhiều hay ít. Người ta cho rằng từ lúc xuất hiện các đốm răng cho đến khi hình thành lỗ sâu có thể đến 1,5 năm, trong thời gian đó rất cần được điều trị kịp thời.

Phát hiện sâu răng bằng cách nào?

Răng bị sâu sẽ ê buốt khi có kích thích nóng lạnh, thức ăn chua ngọt, khi lỗ sâu tiến sát tủy răng thì tủy răng sẽ bị viêm bởi sự xâm nhập của vi khuẩn vào buồng tủy răng từ đáy lỗ sâu, bệnh nhân bị đau tủy răng từng cơn, đau ban đêm nhiều hơn ban ngày, nằm đau nhiều hơn khi ngồi hoặc đứng…Để phát hiện sâu răng, tất cả mọi người cần đi khám răng định kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm tra có bị sâu răng không và chữa kịp thời tránh vi khuẩn xâm nhập được vào tủy răng.

Lỗ sâu nằm trên mặt nhai, mặt ngoài và mặt trong của răng thì dễ phát hiện khi khám lâm sàng, lỗ sâu ở mặt tiếp giáp của hai răng thì khó phát hiện hơn, nhiều trường hợp cần chụp Xquang để chẩn đoán, bệnh nhân có thể chụp phim cận chóp hoặc phim panorama.

Triệu chứng của sâu răng

  • Triệu chứng ban đầu là răng đổi màu, lúc này người bệnh chưa cảm thấy gì, lỗ sâu răng chưa có và kích thích do thức ăn nóng, lạnh chưa xảy ra.
  •  Một thời gian sau, răng biến đổi sang màu nâu hoặc màu đen. Lỗ sâu ở răng xuất hiện, người bệnh cảm thấy khó chịu khi thức ăn giắt vào lỗ sâu, cảm thấy buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, đau khi có thức ăn nóng giắt vào.
  • Nếu lỗ sâu tiếp tục bị sâu thì phần đáy lỗ bị bong calcium và mềm hóa, nhiễm vào tầng sâu của răng, làm cho bệnh nặng hơn.
  • Khi răng đau kéo dài, hoặc mức độ đau gia tăng thì rất có thể tủy răng đã bị viêm. Bên cạnh đó, khi bị sâu răng, hơi thở của người bệnh còn có mùi hôi .
  • Đối với trẻ em bị nhiễm khuẩn răng sữa, nếu không được điều trị sớm thì sâu răng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng vĩnh viễn. Ngoài ra, các trường hợp nhiễm khuẩn răng sữa có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu, rất nguy hiểm.

Lời khuyên của nha sỹ:

Những cơn đau hay ê buốt bất ngờ khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nước nóng bất ngờ cũng có thể là triệu chứng của sâu răng. Để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho chính mình, bạn nên đến khám nha sĩ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các bệnh lý liên quan đến răng miệng cũng như được nha sĩ tư vấn các cách chăm sóc và vệ sinh răng.

Điều trị răng sâu như thế nào?

Các lỗ sâu của răng vĩnh viễn cần được làm sạch hết ngà mủn và trám răng bằng vật liệu amalgam, composite, xi măng glassionomer, răng sữa có thể trám bằng xi măng glassionomer (GIC).

Những lỗ sâu lớn có thể được hồi phục bằng inlay hoặc onlay kim loại hoặc sứ, răng vỡ lớn nên được bọc bằng chụp kim loại hoặc chụp sứ.

Nếu răng sâu mà không được điều trị sớm và đúng kỹ thuật, rang sâu không được trám lại, diễn biến tiếp theo là sâu răng dẫn đến viêm tủy răng, chết tủy răng, nhiễm khuẩn quanh cuống ( chóp ) răng, áp xe quanh chân răng, sâu răng có thể làm vỡ răng do chết tủy nên răng không còn được nuôi dưỡng bởi mạch máu từ tủy răng, sâu răng làm giảm thẩm mỹ, đọng thức ăn gây hôi miệng ảnh hưởng đến giao tiếp… Tuy nhiên, nếu răng được điều trị đúng kỹ thuật thì hoàn toàn có thể sử dụng như các răng bình thường khác.

Phòng bệnh sâu răng

  • Trước hết phải vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước khi đi ngủ.
  • Tránh ăn vặt nhất là ăn vặt đồ ngọt, hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều đường.
  • Trẻ em trong thời kỳ mọc răng, thay răng càng phải đặc biệt quan tâm đến hàm răng, như cho trẻ ăn đủ chất tạo răng, đánh răng và dạy trẻ biết đánh răng cho mình.
  • Dùng kem đánh răng có chứa flouride, có thể dùng thêm nước súc miệng diệt khuẩn sau bữa ăn.
  • Dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng: các kẽ răng thường vẫn còn đọng thức ăn sau khi chải răng, bởi vậy các bạn nên sử dụng chỉ nha khoa sau khi chải răng, cách dùng như sau: bạn lấy một đoạn chỉ nha khoa dài khoảng 40cm, quấn chặt vào hai đầu ngón tay giữa cho tới khi cách nhau 10cm, dùng hai ngón trỏ căng sợi chỉ, dùng ngón trỏ trái hoặc phải ấn sợi chỉ vào kẽ răng còn dắt thức ăn, kéo ngang 1cm, thức ăn sẽ ra theo sợi chỉ.
  • Những phụ nữ mang thai cần bổ sung calcium để trẻ sinh ra không bị thiếu chất tạo răng.
  • Những người bị tụt nướu dẫn đến hở cổ và chân răng nhiều và thưa, đang có gắn mắc cài nắn chỉnh răng cần dùng thêm bàn chải kẽ răng để làm sạch mặt tiếp giáp giữa các răng. Những răng mọc lệch lạc cần được chỉnh cho đúng vị trí vì răng mọc lệch bị bám thức ăn nhiều hơn làm tăng nguy cơ sâu răng.
  • Mọi người cũng cần khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện những biến đổi của răng, có các biện pháp điều trị phù hợp.