Những lợi ích của phim X quang nha khoa
Phim X quang nha Khoa (xin gọi tắt là phim X quang) sẽ giúp cho bác sĩ thấy được hình ảnh về mô cứng (răng và xương) và mô mềm bao quanh các răng và xương hàm. Cụ thể, phim X quang có thể cho bác sĩ thấy được:
– Sâu ở trong thân răng hay sâu răng dưới phục hình, miếng trám.
– Bệnh của xương hàm
– Bệnh nha chu (nướu)
– Các nhiễm trùng tiến triển dưới nướu.
– Các dạng u hàm mặt.
Phim X quang có thể cảnh báo cho bác sĩ của bạn biết những gì đang thay đổi trong miệng của bạn. Ở trẻ em, bác sĩ có thể xem phim X quang để biết sự phát triển răng và xương hàm của trẻ. Cũng giống như phim X quang trong Y khoa, phim trong nha khoa cũng giúp bác sĩ đánh giá các tổn thương ở vùng răng, hàm và mặt.
Phim X quang còn giúp bác sĩ nhận biết bệnh về các vấn đề đang tiến triển trước khi chúng trở nên nặng hơn. Phát hiện sớm nhiễm trùng hoặc tổn thương trên phim có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa sớm các tổn hại lan sang các vùng khác của miệng.
An toàn trong chụp phim
Nhiều người thắc mắc rằng chụp phim có an toàn không vì tia xạ sẽ phát trực tiếp vào người họ. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và kỹ năng kết hợp với nhau khi chụp phim.
Lượng tia xạ phát ra dùng để thu được hình ảnh trên phim X quang nha khoa rất là thấp. Ví dụ, chụp phim nhỏ trong miệng cường độ tia xạ đến bệnh nhân là khoảng 0.005 milisieverts (mSv), milisievert là đơn vị đo lường phóng xạ. Nếu so sánh lượng tia xạ có sẵn trong môi trường sống của con người, như ở Mỹ, thì lều lượng tia xạ hấp thu trung bình là khoảng 3.2 mSv trong một năm (cao gấp hàng trăm lần khi chụp một phim trong miệng)
Bác sĩ thường phải tuân thao quy tắc ALARA, nghĩa là “Thấp nhất trong khả năng cho phép”, khi cần chụp phim cho bệnh nhân. Có thể hạn chế khả năng bệnh nhân bị nhiễm xạ khi được kết hợp chặt chẽ các kỹ thuật sau:
– Dùng cảm biến nhận tia hoặc phim tốc độ cao (phim độ nhạy cao nhất hoặc cảm biến kỹ thuật số)
– Giảm kích thước đầu phát tia vừa đủ với kích thước cảm biến/phim khi có thể.
– Điều chỉnh cường độ tia và qui trình tráng rửa phim thích hợp.
– Cho bệnh nhân mặc áo chì và nếu có thể, mang cả băng cổ (có chì) để che tuyến giáp.
Nếu bạn đi khám ở một bác sĩ khác với bác sĩ đã điều trị trước đó, nhớ mang theo theo phim ở các lần chụp trước để cho bác sĩ xem. Điều này có thể giúp bạn khỏi phải chụp phim lần nữa.
Bác sĩ sẽ quyết định khi nào cần chụp phim, dựa trên thăm khám trong miệng và kết hợp nhiều yếu tố khác. Trợ thủ nha khoa (hoặc kỹ thuật viên chụp phim) sẽ cho bạn mang áo chì trong suốt quá trình chụp. Và họ cũng có thể lấy băng che cổ có chì để che xung quanh cổ bạn để bảo vệ tuyến giáp tại vùng này. Lớp chì trong áo và băng cổ sẽ bảo vệ các cơ quan trên người bạn khỏi bị nhiễm xạ.
Bởi vì lượng tia xạ thấp khi chụp phim X quang nha khoa, những bệnh nhân đang được xạ trị ung thư đầu mặt cổ có thể xem là được an toàn khi cần chụp loại phim này.
Nếu bạn đang mang thai, hãy báo ngay với bác sĩ. Trong suốt thai kỳ, có thể bạn cần phải chụp X quang theo kế hoạch điều trị nha khoa, trong trường hợp này thì cần nên sử dụng áo chì và băng che cổ có chì để bảo vệ bạn và thai nhi khỏi nhiễm xạ.
Thai nhi đang phát triển đặc biệt rất nhạy cảm với ảnh hưởng của tia xạ, đặc biệt trong giai đoạn hình thành các cơ quan (3-7 tuần sau thụ tinh). Các vấn đề lớn có thể gặp:
– Dị dạng bẩm sinh hoặc chết do liều xạ cao.
– Chậm phát triển xương cằm và giảm chỉ số thông minh IQ.
– Thúc đẩy ung thư.
Do đó thường có qui định về lượng tia tối đa cho phép chụp tại vùng bụng của phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, mức độ nguy hiểm cũng tăng tỷ lệ nghịch so với tuổi của bạn, tham khảo bảng dưới:
Mức độ nguy hiểm ở các độ tuổi khác nhau theo Tiêu chuẩn an toàn phóng xạ trong Nha Khoa của Châu Âu năm 2004 | |
Nhóm tuổi | Mức độ nguy hiểm |
x 3 (gấp 3 lần) | |
10-20 | x 2 |
20-30 | x 1.5 |
30-50 | x 0.5 |
50-80 | x 0.3 |
80+ | Nguy hiểm không đáng kể |
Nếu muốn biết thêm thông tin về những lợi ích và an toàn khi chụp phim nha khoa, hãy hỏi bác sĩ nha khoa của bạn để được giải đáp.
Tài liệu tham khảo:
1. http://jada.ada.org/content/142/9/1101.full
2. Essential of Dental Radiography and Radiology, Fifth edition. Eric Whaites and Nicholas Drage. © Elsevier 2013.